fbpx

Doanh thu thuần là gì? Hướng dẫn cách tính theo quy định

Xác định doanh thu thuần là nghiệp vụ quan trọng để tổng hợp được kết quả kinh doanh của doanh nghiệp một cách rõ ràng nhất. Vậy doanh thu thuần là gì? Cách tính doanh thu thuần như thế nào? Hãy cùng XSale tìm hiểu bài viết dưới đây để có cái nhìn bao quát và cụ thể hơn về doanh thu thuần nhé!

Doanh thu thuần là gì?

Doanh thu thuần (Net Revenue) là tổng số thu nhập từ việc bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ, sau khi loại bỏ các khoản như giảm giá hàng bán, chiết khấu thương mại, và hàng bị trả lại.

Trong đó:

  • Chiết khấu thương mại: Là một hình thức giảm giá được doanh nghiệp áp dụng khi khách hàng mua hàng với số lượng lớn, và số tiền này được trừ trực tiếp từ doanh thu. Chiết khấu thương mại được áp dụng nhằm mục đích khuyến khích và thúc đẩy việc bán hàng với quy mô lớn. Nó tạo ra động lực cho khách hàng tiềm năng để thực hiện giao dịch với doanh nghiệp.
  • Giảm giá hàng bán: Là một khoản giảm trừ dành cho người mua do hàng hóa, sản phẩm kém hay không đúng với quy cách theo quy định trong bản hợp đồng kinh tế.
  • Hàng bán bị trả lại: Là giá trị của hàng hóa mà khách hàng trả lại do nhiều nguyên nhân khác nhau, như vi phạm hợp đồng, hàng bị kém chất lượng, không đúng với chủng loại,…

Công thức để tính doanh thu thuần

Công thức tính doanh thu thuần

Doanh thu thuần = Tổng doanh thu của doanh nghiệp – Tổng tất cả giá trị các khoản giảm trừ doanh thu.

Trong đó:

  • Doanh thu tổng cộng của doanh nghiệp là tổng toàn bộ giá trị của sản phẩm được bán ra bởi doanh nghiệp.
  • Các khoản giảm trừ doanh thu gồm thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, chiết khấu thương mại, và giảm giá hàng bán.
Công thức để tính doanh thu thuần

Căn cứ vào Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC của Bộ Tài Chính về Chế độ Kế toán doanh nghiệp, công thức tính doanh thu thuần được quy định như sau:

Doanh thu thuần = Tổng doanh thu của doanh nghiệp – Chiết khấu bán hàng – Hàng bán bị trả lại – Giảm giá hàng bán – Thuế gián thu.

Ví dụ minh họa

Giả sử công ty LoTek có doanh thu là 300.000 USD trong năm 2020. Trong thời gian đó, công ty đã áp dụng chính sách chiết khấu trực tiếp trên hóa đơn cho khách hàng là 10%. Ngoài ra, công ty cũng nhận lại hàng trị giá 20.000 USD.

Áp dụng công thức để tính doanh thu thuần ta có:

Doanh thu thuần=Tổng doanh thu của doanh nghiệp – Tổng tất cả giá trị các khoản giảm trừ doanh thu. 
=300.000 – 10% x 300.000 – 20.000
=250.000 USD

Ý nghĩa của doanh thu thuần

Doanh thu thuần là một trong số những chỉ số quan trọng trong hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Cùng tìm hiểu ngay những ý nghĩa mà doanh thu thuần mang lại cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp!

Đo lường hiệu suất kinh doanh

Doanh thu thuần được coi là chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu suất kinh doanh của một doanh nghiệp. Nó thể hiện tổng giá trị của các sản phẩm và dịch vụ đã được bán ra trong một khoảng thời gian cụ thể. Doanh nghiệp có thể đánh giá lợi nhuận và khả năng tạo ra giá trị kinh doanh thông qua việc so sánh doanh thu thuần với các chi phí hoạt động.

Đo lường khả năng tăng trưởng

Doanh nghiệp đang đạt được sự phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh của mình nếu có doanh thu thuần tăng theo thời gian. Tăng trưởng doanh thu thuần có thể đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đạt được sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn và mở rộng thị phần của mình.

Hoạch định chiến lược kinh doanh

Doanh thu thuần cung cấp thông tin quan trọng để định hình chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Thông qua việc phân tích doanh thu của từng sản phẩm, từng ngành và từng thị trường, doanh nghiệp có thể xác định các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng. Điều này cho phép doanh nghiệp tập trung đầu tư và phát triển vào những lĩnh vực đó để tận dụng cơ hội và đạt được hiệu suất kinh doanh tốt hơn. Từ đó, giúp định rõ chiến lược kinh doanh, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và tạo ra giá trị bền vững trong thị trường cạnh tranh.

Tạo động lực cho toàn bộ nhân viên

Khi doanh thu thuần tăng, điều này cho thấy doanh nghiệp đạt được thành công kinh doanh. Điều này có thể thúc đẩy nhân viên làm việc chăm chỉ hơn và đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp. Sự gia tăng doanh thu thuần có thể tạo ra môi trường tích cực, động lực và sự hài lòng cho nhân viên, khuyến khích họ đạt được mục tiêu cá nhân và đóng góp phần của mình vào thành công chung của doanh nghiệp.

Các yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu thuần

Chất lượng của sản phẩm và dịch vụ được tiêu thụ

Chất lượng của sản phẩm và dịch vụ được tiêu thụ được thể hiện qua một số yếu tố cơ bản dưới đây:

  • Mẫu mã;
  • Kiểu dáng sản phẩm;
  • Mức độ đáp ứng nhu cầu thị trường;
  • Một số yếu tố khác;
Chất lượng của sản phẩm và dịch vụ được tiêu thụ

Khi chất lượng sản phẩm và dịch vụ tiêu thụ bị ảnh hưởng, điều này sẽ gây ra tác động đến giá thành của sản phẩm và dịch vụ hàng hóa. Từ đó khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp sẽ thay đổi, và điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp.

Mức sản phẩm được sản xuất và tiêu thụ

Khối lượng tiêu thụ và sản xuất sản phẩm cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu thuần của doanh nghiệp. Nếu số lượng sản phẩm được sản xuất vượt quá nhu cầu của thị trường, sẽ gây khó khăn trong việc tiêu thụ hết sản phẩm, dẫn đến tình trạng tồn kho. Điều này có thể ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp, vì sản phẩm không được bán hết và doanh nghiệp không thu được doanh thu tương ứng.

Ngược lại, khi số lượng sản phẩm sản xuất phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường, việc tiêu thụ hàng hóa sẽ trở nên đơn giản hơn. Do đó, doanh nghiệp cần hiểu rõ nhu cầu và sở thích của thị trường để xác định khả năng tiêu thụ các sản phẩm, từ đó chủ động điều chỉnh mức sản phẩm sản xuất cho phù hợp.

Giá bán sản phẩm và dịch vụ

Giá bán sản phẩm và dịch vụ có vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp. Khi giá bán tăng mà các chi phí khác không thay đổi, điều này có thể dẫn đến tăng đáng kể trong doanh thu của doanh nghiệp. Ngược lại, khi giá bán giảm, có thể tạo áp lực giảm doanh thu.

Ngoài ra, giá bán cũng có thể có tác động mạnh mẽ đến khối lượng tiêu thụ của sản phẩm hoặc hàng hóa. Khi giá tăng, có thể dẫn đến giảm khối lượng tiêu thụ, trong khi giảm giá có thể kích thích sự tăng lên trong việc tiêu thụ.

Chính sách bán hàng

Khi sản phẩm được sản xuất và đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường, quá trình tiêu thụ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Doanh nghiệp có thể vừa tạo sự hài lòng từ phía khách hàng, vừa thúc đẩy doanh thu bán hàng đạt được mức tăng cao.

Chính sách bán hàng 

Để tối ưu hóa được doanh thu bán hàng, doanh nghiệp nên triển khai chính sách bán hàng linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thị trường. Để làm được những điều này, kế toán của doanh nghiệp cần đưa ra báo cáo doanh thu chi tiết cho từng mặt hàng, từng nhân viên kinh doanh,…

Kết cấu của sản phẩm tiêu thụ

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ngày càng tăng của xã hội, các doanh nghiệp đã mở rộng hoạt động sản xuất và kinh doanh đa dạng hơn, cung cấp nhiều mặt hàng khác nhau với các kết cấu đa dạng. Kết cấu của sản phẩm đề cập đến tỷ trọng giá trị của một mặt hàng cụ thể so với tổng giá trị của tất cả các mặt hàng trong một giai đoạn nhất định. Nếu tỷ trọng của một sản phẩm có mức sinh lời cao tăng lên, trong khi tỷ trọng của một mặt hàng có mức sinh lời thấp giảm xuống (với mức lợi nhuận cá biệt không thay đổi), tổng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng lên và ngược lại.

Phân biệt giữa doanh thu thuần với doanh thu, lợi nhuận

Doanh thu thuần và doanh thu

Doanh thu là tổng giá trị thu nhập mà một tổ chức hoặc cá nhân thu được thông qua việc bán hàng hóa, sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.

  • Công thức tính doanh thu:
Doanh thu(Tổng giá trị sản phẩm bán ra/số người đã trải nghiệm dịch vụ * Đơn giá của sản phẩm/dịch vụ) + Các khoản phụ thu khác
  • Công thức tính doanh thu thuần dựa trên doanh thu:
Doanh thu thuần=Doanh thu – Các khoản giảm trừ doanh thu
doanh thu thuần và doanh thu

Như vậy, sẽ luôn có một mức chênh lệch giữa doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp và doanh thu thuần. Khoảng chênh lệch này tương đương với giá trị của tất cả các khoản giảm trừ doanh thu của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định.

Doanh thu thuần và lợi nhuận

Lợi nhuận là phần tài sản mà doanh nghiệp thu được từ hoạt động đầu tư sau khi đã trừ đi các chi phí liên quan. Đồng thời, lợi nhuận sẽ được hình thành dựa trên sự chênh lệch giữa tổng số tiền thu được và tổng chi phí trong các hoạt động đầu tư.

Lợi nhuận mà chúng ta quan tâm là lợi nhuận sau khi đã trừ thuế. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần xác định lợi nhuận trước thuế như sau:

Lợi nhuận trước thuế=Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán – Phí bán hàng – Phí dành cho quản lý doanh nghiệp
Lợi nhuận sau thuế=Lợi nhuận trước thuế – Số thuế thu nhập mà doanh nghiệp cần phải nộp cho nhà nước trong kỳ

Cách biết được doanh nghiệp đang kinh doanh lời hay lỗ:

  • Nếu lợi nhuận sau khi đã trừ thuế > 0 thì doanh nghiệp lãi.
  • Nếu lợi nhuận sau khi đã trừ thuế > 0 thì doanh nghiệp lỗ.

Doanh thu thuần cao không đồng nghĩa với việc lợi nhuận cũng sẽ cao. Trong khi doanh thu thuần chủ yếu phản ánh hiệu suất kinh doanh của hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ, lợi nhuận được tính dựa trên hiệu suất của hoạt động đầu tư. Vì vậy, một số doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn nhất định trong việc tạo ra lợi nhuận nếu chi phí đầu tư lớn.

Lời kết

Trên đây là chia sẻ về các thông tin liên quan đến doanh thu thuần và công thức tính doanh thu thuần. Hy vọng rằng, bài viết của XSale sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các khái niệm liên quan đến doanh thu thuần để quản lý hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết này
Phan Chi
Phan Chi
Chuyên gia nghiên cứu thị trường và Chuyển đổi số doanh nghiệp
Chia sẻ:
XSale - Phần mềm quản lý bán hàng online toàn diện với 50.000 doanh nghiệp đang sử dụng.